Hãy lưu lại trang wap:
ThangQuyet.Wap.Sh này và giới thiệu tới bạn bè nhé!
TẢI VỀ MIỄN PHÍ
Truyện phật giáo
Bốn đứa con
Ðức Phật A Di Ðà ở thế giới Tây phương Cực Lạc đã phát nguyện sẽ cứu độ chúng sinh trong biển khổ, chúng ta chỉ cần muốn siêu sinh thì đức Phật A Di Ðà chắc chắn sẽ đến tiếp dẫn, nguyện lực của Ngài to lớn thù thắng, không thể nghĩ bàn được.
Cách đây chừng hơn 2 000 năm, cũng chính là lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp ở thế gian, có một vị nữ cư sĩ tại gia học Phật, rất chí thành tin tưởng và cung kính Như Lai. Mỗi buổi sáng bà đều đến gặp đức Phật cung kính lễ bái, chưa bao giờ quên, chưa bao giờ lười biếng trễ nãi.
Một hôm, bà thỉnh đức Phật đến nhà thọ cúng ; đức Phật biết tâm ý của bà nên cố ý hỏi:
- Bà thiết đàn lập trai cúng dường Phật, là vì muốn có được phúc báo gì?
Bà cư sĩ cung kính trả lời:
- Nếu được phúc báo, con xin sinh được 4 đứa con.
- Tại sao lại muốn có 4 đứa con?
Ðức Phật từ bi hỏi.
- Bạch Thế Tôn, nếu con có 4 đứa con, thì khi chúng nó khôn lớn, đứa đầu sẽ buôn bán làm ăn, kiếm thật nhiều tiền. Ðứa thứ hai sẽ cày ruộng làm rẫy, mỗi năm gặt hái được nhiều thóc lúa ; đứa thứ ba, con sẽ dạy nó cố gắng chăm chỉ, tương lai làm quan vinh hiển tông môn, và đứa thứ tư thì con sẽ cho nó xuất gia học đạo, tu hành chứng thánh quả để tiếp độ cha mẹ cùng tất cả mọi người, lúc ấy con sẽ hoàn toàn mãn nguyện.
Ðức Phật nghe bà kể những nguyện ước của mình xong, chấp thuận:
- Ðược, bà sẽ được như ý.
Bà cư sĩ mừng rỡ cúng dường đức Phật xong, không bao lâu sau quả nhiên thọ thai, sinh được một cậu con trai. Ðứa bé từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, không giống với những đứa bé thường tình khác, nên được cha mẹ thương yêu như hòn ngọc trong tay.
Ðứa bé theo thời gian mà lớn lên, tuy mẹ nó cầu xin có bốn đứa con nhưng không cho nó được đứa em nào hết. Bao nhiêu tình thương đáng lẽ phải chia cho bốn, bà đều đổ dồn hết lên đứa con duy nhất ấy.
Có một hôm trong câu chuyện, người mẹ kể cho con nghe chuyện mình cúng Phật cùng nguyện ước bốn đứa con của mình, và tại sao mình lại muốn như thế. Người con nghe mẹ kể xong thì khắc ghi lời của mẹ trong lòng. Lớn lên, cậu học làm ăn buôn bán. Nhờ thông minh lanh lợi nên không đầy một năm sau, kiếm được vô số tiền bạc tài sản, làm cho cha mẹ rất vui mừng. Sau đó, cậu không buôn bán nữa mà xoay qua làm nghề canh nông. Nhờ cậu chịu khó cần lao cầy cấy tưới tẩm, mức thu hoạch vô cùng dồi dào phong phú, hàng xóm láng giềng ai nấy đều khâm phục. Trong nhà nay đã có tài sản lại vừa có thóc gạo, họ đã trở thành một nhà đại phú hộ. Lúc ấy, cậu muốn hoàn thành nguyện vọng thứ ba của mẹ, tức là có một đứa con làm quan để rạng rỡ tông môn. Vốn là một người tài hoa nên xin ra làm quan không phải là việc khó, cậu làm quan lớn nên gia đình càng giàu sang thêm. Bây giờ có gì đáng buồn tiếc nữa đâu? Nhưng nguyện vọng lớn nhất của cậu vẫn chưa thành tựu. Sau một năm làm quan, cậu thưa với mẹ rằng:
- Mẹ à, bốn điều mà mẹ cầu nguyện, con đã hoàn thành được ba. Bây giờ chỉ còn lời nguyện cuối cùng, nếu hôm nay con xuất gia thì có phải là mẹ hoàn toàn mãn nguyện không?
Người mẹ biết con mình muốn xin xuất gia, thật ra đây cũng là ý của bà lúc đầu nên bà vui lòng ưng thuận. Người con mừng rỡ từ biệt cha mẹ, đến chỗ đức Phật Thích Ca Mâu Ni xin xuất gia làm sa môn.
Nương nhờ công đức của Phật, cùngvới thiện duyên của mình, thêm sự gia công tinh tấn tu hành, chẳng bao lâu cậu chứng quả, thành một vị đại A La Hán. Ðắc đạo xong, cậu về nhà độ hóa cha mẹ cùng tất cả người nhà.
Từ đó về sau, cậu bước trên đường hoằng dương chính pháp,làm lợi lạc và thành tựu chúng sinh.
Ca Chiên Diên nghị luận
Vâng theo lời dạy của đức Phật, tôn giả Ca Chiên Diên, vị "luận nghị đệ nhất" trong hàng tăng chúng đã tuyên dương chủ trương "bốn tính bình đẳng". Nhưng rất đông Bà La Môn biết được, không ai tin phục tôn giả. Hễ có cơ hội là họ tìm đến Ca Chiên Diên để bài bác, vấn nạn ngài. Họ nghĩ rằng, nếu không đánh ngã những biện luận của tôn giả thì từ đây về sau, Bà La Môn sẽ có hy vọng không ngước đầu lên được nữa. Tuy nhiên, ngài Ca Chiên Diên rất giỏi biện luận, khi gặp một vị Bà La Môn, dẫu quyền uy tới đâu đến vấn nạn ngài, ngài chỉ cần dùng một vài câu ngắn gọn và đơn giản, thế là vị Bà La Môn nọ cuối cùng cũng phải vui vẻ mà thuần phục.
Có một hôm, tôn giả cùng các vị tỳ kheo bạn đồng tu, sắp bước vào trai đường bên cạnh hồ Ô Nê nước Ba La Nại dùng cơm, thì có một vị Bà La Môn lớn tuổi tìm đến khiêu chiến với ngài. Vị Bà La Môn già chống cây gậy, im lặng đứng bên cạnh tôn giả Ca Chiên Diên, những tưởng rằng khi nào Ca Chiên Diên nhìn thấy ông thì nhất định sẽ đứng dậy nhường chỗ cho ông ngồi. Nhưng nào có ngờ đâu, Ca Chiên Diên chẳng thèm ném cho ông một cái nhìn nữa. Ông kiên nhẫn đứng một hồi lâu, cuối cùng lớn tiếng trách mắng rằng:
- Mấy ông nghĩ sao mà thấy một vị trưởng giả lớn tuổi như tôi đến, lại không biết đứng lên mà nhường chỗ ngồi?
Các vị tỳ kheo nghe thế thì giật mình, nhiều người còn vội vàng đứng dậy nhường chỗ ngồi cho vị Bà La Môn già, duy chỉ có Ca Chiên Diên là chẳng chút động lòng, còn hỏi lại rằng:
- Ông là ai mà tới đây la hét ầm ĩ như vậy? Chúng tôi ở đây tôn kính phụng hành giáo pháp, nhưng tại chỗ này không có ai là trưởng giả hay là tiền bối của chúng tôi cả.
Vị Bà La Môn già nọ giận dữ đưa cây gậy đang cầm trong tay lên chỉ vào đầu tóc bạc phơ của mình mà hỏi:
- Số tuổi đã cao của ta không đủ cho ông tôn làm trưởng giả hay sao? Không đủ cho các ông cung kính tôn trọng hay sao?
- Ông? Ông không thể tự xưng là trưởng giả, cũng không được chờ đợi chúng tôi cung kính tôn trọng.
Ca Chiên Diên trả lời bằng một giọng nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Vị Bà La Môn già giận dữ đến cực điểm, dùng cây gậy chỉ vào mặt Ca Chiên Diên mà mắng.
- Tại sao ông lại khinh người đến thế?
Ca Chiên Diên điềm nhiên trả lời rằng:
- Qua âm thanh, giọng nói của ông, và qua những cử chỉ thô bạo của ông, tôi nhận thấy rằng ông không xứng đáng được tôn làm trưởng giả, cũng không xứng đáng được người khác cung kính. Bởi vì cho dầu ông có là một vị Bà La Môn 8, 90 tuổi, tóc bạc răng long, nhưng nếu không hề tu hành một cách chân chính, còn đam mê sắc thanh hương vị xúc, chưa xả bỏ được những phiền não như tham, sân và ganh ghét, thì ông vẫn bị coi như trẻ nít. Còn giả sử ông là một thanh niên 20 tuổi, da dẻ chưa nhăn, đầu tóc đen nhánh, mà đã giải thoát được sự trói buộc của ái dục, đối với thế gian không có sự tham cầu, không có chút niệm tưởng bất bình nào, thì chúng tôi có thể xưng tán ông là trưởng giả, xem ông là người già dặn, xứng đáng cho chúng tôi thân tâm cung kính.
Vị Bà La Môn già nghe Ca Chiên Diên nói thế, không có lời lẽ nào để đối đáp, bèn lặng lẽ bỏ đi.