Hãy lưu lại trang wap:
ThangQuyet.Wap.Sh này và giới thiệu tới bạn bè nhé!
TẢI VỀ MIỄN PHÍ
Truyện phật giáo
Bốn lọai phước đức
Lúc đức Phật còn tại thế, có một vị trưởng giả tên là Âm Duyệt, nhà rất giàu có, không có điểm nào đáng phàn nàn trừ một điều là tuổi đã cao mà chưa có đứa con trai nào, nên từ sáng đến tối ông cứ rầu rầu nét mặt.
Nhưng nhờ thiện căn đời trước nên một hôm, liên tiếp bốn loại phúc đức cùng đến với ông trong một lúc. Ðó là: thứ nhất vợ ông sinh được một cậu con trai kháu khỉnh xinh xắn không ai bì kịp ; thứ hai trong chuồng ngựa có vô số ngựa trắng đều đồng thời sinh sản rất nhiều ngựa con khoẻ mạnh ; thứ ba, ông được vua phái người tới tận nhà phong thưởng chức tước ; thứ tư, những chiếc tàu buôn ông gởi ra nước ngoài tìm kho tàng đều về tới bến, thành công mỹ mãn.
Vị trưởng giả hoan hỉ vô cùng, ông nghĩ rằng đó là do chư thiên ban phúc cho mình nên phải tập họp gia tộc lại, làm một bữa tiệc cỗ cao lương mỹ vị cúng tế, tạ ơn lòng tốt của chư thiên.
Lúc ấy đương nhiên rất nhiều thiên vương cùng bát bộ thiên long và người cõi trời rải rác trong hư không, thấy vị trưởng giả phúc đức đầy đủ như thế, đều âm thầm tán thán. Ðức Phật Thích Ca, cũng vì đời trước có chút nhân duyên nên cũng đến trước cửa nhà trưởng giả nói kệ cát tường:
Phúc đức trổ mạnh mẽ
Niềm vui tới một lúc
Do phúc đức đời trước
Nay đến lúc thành thục.
Âm Duyệt trưởng giả nghe pháp âm vi diệu của đức Phật Thích Ca, mừng rỡ chạy ra ngoài cửa cung kính lễ bái mà nói:
- Ngài là vị xuất gia được cả pháp giới này tôn kính bậc nhất, phúc tuệ song toàn nên độ hóa được chúng sinh trong cả mười phương thế giới! Hôm nay biết trước nhà tôi có may mắn vô hạn nên Ngài tới tận đây mà tán dương, lòng tôi thật vô cùng cảm kích!
Nói xong, bèn đem ra những tấm thảm nhung trắng loại thượng hảo hạng ra cúng dường Phật. Ðức Phật tiếp nhận rồi bèn chú nguyện cho ông và còn từ bi khai thị rằng:
- Trên thế gian này, ngay trong bản thể của tiền tài vốn đã bị năm loại tai nạn nguy hiểm chi phối, nhưng người ta không biết cái đạo lý này nên cứ mong cầu không chịu biết đủ, tính toán chi li, đến khi chết đồng xu nhỏ cũng không mang theo được. Tiền tài như thế chỉ đem lại phiền não cho chúng ta mà thôi. Hôm nay nếu trưởng giả dùng cái tiền tài bất an ấy để bố thí cúng dường thì sau này phúc đức và chuyện vui nào cũng sẽ theo nhân duyên đó mà đến với ông.
Trưởng giả hỏi:
- Năm tai nạn nguy hiểm ấy là gì?
Ðức Phật trả lời:
- Thứ nhất là không biết trước sẽ bị lửa thiêu cháy lúc nào ; thứ hai là đề phòng nạn bão lụt không kịp ; thứ ba là bị quan quyền dùng áp lực tịch thu mà không làm sao kháng cự ; thứ tư là sinh con bất hiếu tiêu phí khánh tận gia sản ; thứ năm là đạo tặc vô tình cướp đoạt. Trong số năm tai nạn trên, bất cứ tai nạn nào xẩy ra, gia sản cũng sẽ bị tổn thất ngay. Thí dụ nếu có một người phạm tội với quan quyền, thì không những bất cứ của cải nào của họ cũng bị tịch thu mà có thể còn bị giam cầm trong lao tù, cho đến cả bị xử tử nữa cũng không chừng! Lúc ấy, người đó làm cách nào để chống chọi hay bảo vệ tài sản cho được an toàn đây? Lại nói, kiếp trước có một người đã từng bố thí 7 lần, nhưng mỗi lần bố thí xong là đều vô cùng hối hận tiếc rẻ. Do không bố thí với tâm chí thành nên sau đó, người ấy tuy có vô số tiền của, nhưng cũng bị phá sản 7 lần.
Trưởng giả nghe thế, sinh tâm chí thành bố thí một cách hoan hỉ. Ðức Phật nói xong cũng tức khắc quay trở về núi Kỳ Xà Quật.
Ðồng một lúc ấy có một vị ngoại đạo tên là Bất Lan Ca Diếp, nghe nói đức Phật chỉ thuyết có một câu kệ cát tường mà được vô số thảm nhung trắng, bèn sinh tâm ganh tị, tìm cách bắt chước làm thử. Nhưng ông không biết nói kệ nên đến xin đức Phật dạy cho. Ðức Phật biết trước trưởng giả Âm Duyệt trong tương lai sẽ mất hết tài sản lẫn phúc đức trong cùng một lúc, nên dùng lời khéo léo để khuyên can ngoại đạo, nhưng người này cho rằng đức Phật không chịu dạy cho mình nên cứ theo kèo nài năn nỉ mãi. Ðức Phật có đại thần thông, thấy nhân duyên kiếp trước của Bất Lan Ca Diếp, biết nghiệp chướng không thể tránh được, nên nói với đại chúng tại chỗ rằng:"Tội không tránh được, có nợ phải trả". Rồi Ngài nói lên bốn câu kệ cát tường dạy cho Bất Lan Ca Diếp.
Không lâu sau, trưởng giả Âm Duyệt đã mất hết tài sản trong một trận hỏa thiêu, rất nhiều ngựa con cũng chết cháy trong cùng một lúc, đứa con trai quý bất hạnh yểu mệnh, đồng thời có người ganh ghét sàm tấu ông với vua, nên bao nhiêu chức vị được phong thưởng ngày nào nay đều bị tước lại. Chưa hết, những con tàu ông gởi đi kiếm kho tàng đều bị bão tố lật úp, cả vốn lẫn lời đều chìm sâu trong biển cả.
Ðúng lúc ấy Bất Lan Ca Diếp hồ hỡi phấn khởi đến trước nhà trưởng giả, mạnh miệng đọc to lên những câu kệ cát tường. Trưởng giả đang phiền não không có chỗ để phát tiết, đột nhiên nghe những câu kệ cát tường, ngỡ rằng Bất Lan Ca Diếp cố ý chọc tức mình, nổi giận mặt mày đổi màu từ trắng ra xanh, bất chấp hết thảy, thuận tay tóm lấy cây gậy dựng ngay bên cửa đánh Bất Lan Ca Diếp một trận túi bụi. Ðáng thương cho Bất Lan Ca Diếp, trong thoáng chốc bị đòn nên thân, cả người bầm tím mang đầy thương tích, bò lê bò càng đau đớn trở về nhà. Nhưng tuy vậy vẫn chưa tỉnh ngộ, cứ ngỡ rằng tại đức Phật không chịu dạy kệ cho rõ ràng!
Lúc ấy đức Phật đang ở vườn trúc La Duyệt Tri thuyết pháp, ngài nói với đại chúng rằng:
- Bất Lan Ca Diếp hôm trước tới đây đòi ta dạy cho kệ cát tường, ta khuyên can mà không nghe, hôm nay lại đằng đó bị đả thương rồi!
A Nan hỏi đức Phật:
- Bất Lan Ca Diếp và vị trưởng giả kia có nhân duyên gì với nhau mà bị quả báo ấy?
Ðức Phật nói:
- Ðó là tại có một nhân duyên rất lâu xa về trước, thời ấy có một ông vua tên là Âm Duyệt. Một hôm vua đang ngủ trưa, thì có một con chim anh vũ bay lên trên mái cung đình mà hót, tiếng hót nghe rất cảm động. Vua nghe nó hót vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, bèn hỏi người xung quanh rằng:"Ðó là loại chim gì, sao nó hót nghe cảm động đến thế?" Người xung quanh đáp "Có một con chim kỳ diệu, mới bay tới hót ở trên mái cung đình". Vua nghe thế, sai rất nhiều người đi lùng kiếm nó ở khắp mọi nơi. Lùng mãi rồi cuối cùng cũng bắt được, vua vui mừng không kể xiết, bèn dùng ngọc châu cơ, thủy tinh, lưu ly, trân châu, san hô, anh lạc v.v.. rất nhiều châu báu như thế làm lồng cho nó ở, từ sáng tới tối giữ nó mãi bên mình không chịu lìa xa. Về sau có một con chim khác tên là mộc điểu, thấy thế bèn hỏi chim anh vũ rằng:
- Làm sao mà bạn được sung sướng tột cùng như thế?
Anh vũ đáp:
- Tôi tình cờ hót chơi giải buồn trên mái cung đình, vua nghe được cho rằng nghe cảm động, nên sủng ái tôi như thế.
Chim mộc ganh tức nói:
- Tôi có thể hót hay hơn bạn!
Lúc vua sắp ngủ trưa, chim mộc bèn bay trước cung đình hót rầm rĩ, vua giật mình tỉnh giấc, rởn tóc gáy, nổi giận hỏi người xung quanh:"Tiếng gì nghe rùng rợn như thế?" Người xung quanh đáp:" Ðó là con chim mộc đang hót trước cửa". Vua chưa nguôi giận, lập tức ra lệnh bắt nó vặt lông và đánh cho một trận rồi mới thả về. Chim mộc bò ngả bò nghiêng trở về tổ, có rất nhiều chim khác thấy tình trạng của nó như thế thì kinh hoàng hỏi nguyên do, chim mộc không những không chịu nhận sự thật mà còn oán trách chim anh vũ mà nói với đồng loại rằng:
- Tại con chim anh vũ tôi mới ra nông nỗi này!
Ðức Phật ngừng một lúc rồi lại nói tiếp:
- Âm thanh hay có thể đem lại phúc đức, âm thanh dở thì đem đến tai hoạ. Chim mộc tự làm hại lấy mình mà còn giận lây chim anh vũ. Vị vua thuở ấy chính là trưởng giả Âm Duyệt ngày nay, chim mộc là Bất Lan Ca Diếp trong quá khứ đã ganh tị với chim anh vũ nên bị đánh đập đau đớn, kiếp này cũng lại ganh tức với Phật, cũng lại bị nạn gậy gộc, chính vì cái tâm ganh tị thiêu đốt mà không chịu hối cải!
A Nan hỏi đức Phật:
- Trưởng giả Âm Duyệt đời trước làm công đức gì mà lại được bốn loại phúc báo, và tại sao bây giờ phúc đức ấy lại bị tiêu mất?
Ðức Phật trả lời:
- Trong đời trước, lúc còn trẻ, Âm Duyệt tin phụng Phật Pháp, chí thành cúng dường thánh chúng nguyện xin cho được giàu có. Quả nhiên về sau được như nguyện, nhưng khi cưới vợ rồi thì bất hạnh đâm ra đam mê tửu sắc, khinh mạn Tam Bảo. Ðã thế còn không có tâm từ bi, không gieo trồng thiện căn, vì thế phúc báo của ông ta tan đi như bóng trăng đáy nước, hoa đốm trong không , biến mất trong nháy mắt.
Sau đó, thật đáng thương, sẽ bị vô hạn thống khổ bức bách, chịu tận cùng khổ báo rồi mới tiêu trừ nghiệp chướng được.