Hãy lưu lại trang wap:
ThangQuyet.Wap.Sh này và giới thiệu tới bạn bè nhé!
TẢI VỀ MIỄN PHÍ
Truyện phật giáo
Giai cấp Nhất Ức Lý
Ngày xưa, trong xã hội Ấn Ðộ, sự chênh lệch giữa người và người quả là rất nhiều. Vương Xá Thành ở miền nam nước Ấn, dân chúng rất giàu có nhưng không khỏi có sự phân biệt giai cấp.
Họ căn cứ vào tài sản ít hay nhiều mà phân thành 9 giai cấp, giữa các giai cấp, sự khác biệt vô cùng rõ rệt. Nhất Ức Lý là giai cấp của người dân thành thị giàu có nhất, dư giả nhất , gia sản phải lên tới cả ngàn vạn, cả trăm vạn ; duy chỉ có những người giàu có như thế mới đủ tư cách để thuộc vào giai cấp Nhất Ức Lý ấy. Dĩ nhiên, giai cấp của họ là giai cấp đứng đầu nên không có người nào là không hâm mộ, ao ước.
Lúc ấy có một người thuộc về giai cấp chót hết của 9 giai cấp nói trên, rất ngưỡng vọng sự vinh quang phú quý của giai cấp Nhất Ức Lý, ông hy vọng sẽ có ngày vọt lên được địa vị của những người mà ông hâm mộ đó, nhưng không có điều kiện thiết yếu là một gia sản đáng giá trăm vạn. Vì muốn có đủ điều kiện, ông không ngại công lao khó nhọc, ngày đêm tìm đủ cách để buôn bán kiếm lời. Sau mười năm lao lực, ông chỉ gom góp được có 9 phần mười gia sản phải có để đạt được lý tưởng của mình. Nhưng than ôi, ông vương phải một cơn bạo bệnh, bệnh tình nguy ngập, ông biết sẽ không còn sống lâu nữa nên gọi vợ đến căn dặn rằng:
- Tôi sẽ không lành bệnh được đâu, chỉ ân hận là nguyện vọng ôm ấp suốt cả một đời chưa đạt được. Con chúng ta nay chỉ mới 8 tuổi, chưa thể thừa kế được sự nghiệp của tôi. Tôi mong bà nuôi nấng cho nó thành người, nói cho nó biết điều tôi mong mỏi, và bảo nó kinh doanh sự nghiệp của chúng ta cho khéo léo hầu vào được giai cấp Nhất Ức Lý, thì lúc ấy ở suối vàng tôi cũng ngậm cười mà an nghỉ.
Ðợi việc mai táng xong xuôi, người mẹ gọi con đến trước mặt dạy rằng:
- Cha con mất đi có để lại di ngôn, hy vọng con làm ăn buôn bán cho khéo léo, hầu có đủ điều kiện gia nhập vào giai cấp Nhất Ức Lý, để hoàn thành nguyện ước của cha con lúc sinh thời.
Ðứa con nhỏ tuổi mà đã có trí huệ của một vị cao nhân, đã biết rõ một cách chân chánh thế nào là họa là phúc. Nó biết rằng tiền bạc châu báu của thế gian như một con rắn độc, từ xưa đến nay, biết bao nhiêu người đã vì tham cầu nó mà phạm vào đủ điều gian ác, không lùi bước trước bất cứ một thủ đoạn nào để làm tổn hại cho người, lợi ích cho mình, để rồi chiêu cảm trùng trùng điệp điệp quả báo đau khổ, chỉ vì không hiểu rành lý nhân quả.
Thiên hạ không hiểu rõ rằng phúc báo của một người không phải từ trên trời rớt xuống, không trồng trọt mà đòi gặt hái được sao? Phú quý có con đường của nó, chỉ có đi theo con đường bố thí mới đến được cung thành phú quý.
Nhưng thằng bé biết rằng mẹ nó chưa đủ sức hiểu những lý lẽ ấy nên chỉ lựa lời thưa rằng:
- Con có một cách này rất hay, không cần đợi tương lai, mà ngay hiện tại có thể nhập vào giai cấp Nhất Ức Lý, chỉ cần nhà có bao nhiêu tiền của, mẹ giao hết cho con.
Người mẹ nghe thế nửa tin nửa ngờ, nhưng bà thương con rất mực và muốn nương tựa vào con, nên đưa chìa khóa ngân khố tài bảo giao cho con.
Ðứa bé đem toàn bộ gia sản, cả ngày ở ngoài đường mướn người khắc, nặn tượng Phật, xây dựng tháp miếu, cúng dường chư tăng, làm tất cả mọi sự để hoằng dương Phật pháp, rồi còn xuất ra một số tiền để cứu giúp người nghèo khổ. Chưa tới nửa năm, tài sản của người cha trọn đời dành dụm đã bị tiêu tan sạch bách!
Người mẹ tuy có phúc báo nhưng chưa thông hiểu được trí huệ của Pháp Phật. Bà không biết con mình là Bồ Tát tái sinh, không giống phàm nhân, mà trái lại có trí huệ cao siêu, có thần thông thâm diệu, đi lại tự tại trong ba cõi. Bà không biết rằng thí xả tài sản là con đường tắt để được phúc đức, được giàu sang phú quý, cứ làm theo lời Phật dạy thì sinh vào giai cấp Nhất Ức Lý là một điều quá dễ dàng!
Vì bà không thể biết những điều ấy, lại mắt thấy tải sản cứ ngày theo ngày mà tiêu hao, nên trong lòng rất lo lắng. Không những không làm được dân của giai cấp Nhất Ức Lý, mà còn không biết sẽ lấy gì mà sống nữa! Nhưng tình thương con khiến cho bà không nỡ trách mắng, cũng không nỡ ngăn cấm, vì đứa con hay lựa lời giải thích mỗi khi thấy mẹ quá lo lắng.
Không ngờ phước chưa được hưởng mà họa đã giáng lên đầu, thằng con trai thông minh, kháu khỉnh của bà sau một đêm lâm bệnh nặng, bác sĩ không đến kịp, đã lìa khỏi vòng tay của bà mà đi mất. Tài sản không còn, thằng con duy nhất cũng đã chết, người mẹ đau khổ chỉ muốn kết liễu đời mình cho xong, hận tại sao không được theo con mà chết!
Dục vọng con người sao mà nhiều thế, không tài nào kể xiết.
Có một vị phú ông ở giai cấp Nhất Ức Lý, giàu có bậc nhất, tài sản lên tới tám trăm vạn, nhưng suốt ngày lại khổ não vì chưa có con trai nối dõi tông đường, gia sản kếch sù kia rồi ai sẽ là người thừa kế?
Ông suốt ngày ngồi kiệu, có chùa chiềng miếu tự nào ông cũng vào cúng bái cầu xin sinh được một đứa con trai phúc huệ song toàn. Quả nhiên ít lâu sau, bà vợ cả của ông sinh cho ông một đứa con trai.
Ðứa bé sinh ra rất kháu khỉnh, song có một điều nó không giống người thường, ai thấy cũng phải thấy lạ.
Mới sinh được ba hay bốn ngày, thằng bé cứ đối với mẹ như người lạ: lúc mẹ nó bồng lên thì nó rống lên khóc, mẹ cho bú, nó cũng khóc. Ðút vú vào miệng thì nó không khóc cũng quay đầu chỗ khác, do đó hễ nó cất tiếng khóc là cả nhà quýnh quáng lên, vì không bú sữa thì làm sao mà sống? cả ngày cứ rống lên mà khóc thì làm sao sống? Hai điểm ấy làm cho cả nhà ai nấy cũng lo sợ bất an.
Còn phú ông lại càng khổ sở hơn nữa, thằng con cầu tự, khó khăn lắm mới có một đứa, ông xem nó quan trọng hơn sinh mệnh của mình. Ông bèn tuyên bố: hễ ai mà dỗ được cho con ông hết khóc, hay là làm cho nó chịu bú sữa thì ông sẽ đem lễ vật đến xin người ấy về làm gia quyến của ông.
Biết bao nhiêu người đàn bà đến xin thử, nhưng muốn vào nhà của đệ nhất phú ông thật không phải dễ! Người nào đến bồng đứa bé nó cũng chỉ có tài làm cho nó khóc to hơn, ôm nó còn không ôm nổi, huống gì cho nó bú!
Một vài ngày trôi qua, bao nhiêu người đàn bà đã thất vọng và đã quay về, duy chỉ có một người không biết tu hành từ đời nào mà đời nay được phúc báo, là đuợc giữ lại.
Ðó chính là người đàn bà vừa mất con vừa mất tài sản nọ. Chính bà cũng không hiểu rõ tại sao, bà nào hề có ý định đến xin thử, chỉ vì thấy có đông người và quang cảnh trước mắt vui vui, khêu lên tính hiếu kỳ của bà, bèn nhắm mắt đi theo đoàn người vào thử một phen. Có ai ngờ, khi thấy bà đứa bé như thấy người thân, ngừng ngay tiếng khóc ngang ngược của mình, lại còn nhìn bà nhoẻn miệng cười qua những giọt nước mắt!
Người làm công trao cho bà bình sữa, khi bà đút vào cái miệng nhỏ xíu của đứa bé thì ô kìa, nó bèn bú lấy bú để một cách ngon lành.
Tối đến trong nhà ai nấy đều đã ngủ say. Bà không tài nào nhắm mắt, cứ ôn đi ôn lại từng việc đã xảy ra trong ngày hôm đó. Bà thật tình khó có thể tin được là mình đã bước vào giai cấp Nhất Ức Lý.
- Ta đang nằm mơ chăng? Bà lẩm bẩm tự hỏi.
- Không nằm mơ đâu mẹ!
Có người đang trả lời bà, nhưng người đó là ai? Bà ngồi bật dậy trên giường, nhớn nhác nhìn quanh tìm kiếm.
- Mẹ, con đây mà!
Thì ra chính đứa bé đang nằm bên cạnh bà, con trai của lão phú ông đang nói chuyện với bà. Lão phú ông đã mời bà về làm vú em cho con mình, và giao đứa bé cho bà chăm sóc.
- Con?
Bà vô cùng kinh dị, một đứa bé sơ sinh làm sao đã biết nói chuyện, lại còn gọi bà bằng "mẹ" nữa?
- Ðúng rồi, con là đứa con mà mẹ đã mất, nay tái sinh về đây! Mẹ đã không từng nói với con là ước vọng của ba trước khi mất, là muốn mẹ con mình vào giai cấp Nhất Ức Lý hay sao? Thì bây giờ mẹ con mình đang ở trong gia đình giàu có nhất của giai cấp Nhất Ức Lý đây!
Bà ôm chầm lấy đứa con, giòng nước mắt từ từ lăn xuống má.
Bây giờ thì bà hiểu rồi: gieo rắc tài sản chính là nhân của sự phát tài làm giàu về sau vậy.